Giới thiệu về Raspberry Pi
Raspberry Pi, bo mạch máy tính siêu nhỏ, ra đời năm 2012 của Tổ chức phi lợi nhuận Raspberry Pi Foundation (Anh Quốc) từ lâu đã nổi tiếng trong giới nghiên cứu và giáo dục công nghệ máy tính cũng như trong cộng đồng yêu thích vọc phá máy tính DYI (Do-It-Yourself). Với thiết kế nhỏ xíu chỉ bằng thẻ thanh toán ngân hàng, tiêu thụ nguồn thấp, chạy được nhiều hệ điều hành khác nhau, gồm cả Linux OS miễn phí như Ubuntu, có rất nhiều nhà cung cấp linh phụ kiện đi kèm và đặc biệt có giá rất rẻ (từ 15 – 25 USD cho bo mạch cơ bản), các dòng Raspberry Pi được ứng dụng để làm các máy tính mini PC, máy chơi game, máy nghe nhạc, máy chủ, thiết bị WiFi, router, các thiết bị cảm biến IoT, camera an ninh, media player, …
Đến ngày hôm nay, Raspberry Pi Foundation đã phát triển được rất nhiều đời Raspberry Pi khác nhau, từ P1 Model B đến Pi 4 Model B với 12 loại bo mạch tất cả như hình sau:
Ngày 28/9/2023, Raspberry Pi Foundation công bố bo mạch mới nhất Raspberry Pi 5 của mình. Pi 5 sẽ bắt đầu bán ra vào cuối tháng 10/2023 và có giá 60$ cho bản 4GB RAM hay 80$ cho bản 8GB RAM. Đây là lần nâng cấp với nhiều thay đổi nhất so với Pi 4: Có CPU 64-bit tốc độ cao, nhiều lựa chọn RAM đến 8GB, mạch đồ họa mới mạnh hơn, mạch PCIe có tốc độ truyền dữ liệu nhanh, có cổng USB 3.0 tốc độ cao, cổng HDMI hỗ trợ video 4K,… từ đó cho phép nhiều cá nhân và doanh nghiệp có thể dùng Pi 5 để tiếp tục mở rộng dãi sản phẩm và ứng dụng.
Chi tiết về Raspberry Pi 5
Raspberry Pi 5 có thông số kỹ thuật được công bố như sau:
- CPU: Broadcom BCM2712 CPU ARM Cortex-A76 có 4 nhân 2.4GHz 64-bit, bộ nhớ đệm L2 512KB mỗi nhân và bộ nhớ đệm L3 dùng 2MB
- Mạch đồ họa GPU: VideoCore VII, hỗ trợ OpenGL ES 3.11 và Vulkan 1.2
- 2 cổng ra màn hình HDMI® 4Kp60 với hỗ trợ HDR
- Bộ giải mã video 4Kp60 HEVC
- Bộ nhớ RAM: LPDDR4X-4267 SDRAM (2 lựa chọn 4GB và 8GB trong thời gian đầu)
- Wi-Fi® băng tần kép 802.11ac
- Bluetooth 5.0 / Bluetooth Low Ennergy (BLE)
- Khe cắm thẻ nhớ microSD, có hỗ trợ chế độ SDR104 tốc độ cao
- 2 cổng USB 3.0, hỗ trợ tốc độ 5Gbps đồng thời
- 2 cổng USB 2.0
- Cổng Gigabit Ethernet, có hỗ trợ PoE + (cần gắn thêm mạch PoE + HAT)
- 2 bộ thu phát camera / màn hình MIPI 4 đường
- Giao diện PCIe 2.0 x1 cho các thiết bị ngoại vi cần tốc độ cao (cần gắn thêm mạch M.2 HAT riêng hoặc mạch tương tự)
- Nguồn DC 5V / 5A qua cổng USB-C, có hỗ trợ Power Delivery
- Có 40 chân đầu nối theo tiêu chuẩn Raspberry Pi
- Đồng hồ thời gian thực (RTC), được cấp nguồn bằng pin riêng
- Công tắc nguồn
Bảng so sánh chi tiết giữa Pi 5 và Pi 4 như sau:
Thông số | Raspberry Pi 5 | Raspberry Pi 4 |
Bo CPU | Broadcom BCM2712 | Broadcom BCM2711 |
Bộ vi xử lý CPU | ARM-Cortex A76 (4 nhân, 64 bit) | ARM-Cortex A72 (4 nhân, 64 bit) |
Xung nhịp CPU | 2.4GHz | 1.5/1.8GHz |
Mạch đồ họa GPU | VideoCore VII 1GHz | VideoCore VI 600MHz |
SDRAM | LPDDR4X-4267 SDRAM (4GB và 8GB tùy chọn trong thời gian đầu) | LPDDR4-3200 SDRAM (1GB, 2GB, 4GB, 8GB) |
Khe cắm thẻ SD | Micro SD, hỗ trợ tốc độ cao SDR104 mode | Micro SD |
WiFi | 2.4 GHz và 5.0 GHz 802.11ac Wi-Fi | 2.4 GHz và 5.0 GHz 802.11ac Wi-Fi |
Bluetooth | Bluetooth 5.0 / Bluetooth Low Energy (BLE) | Bluetooth 5.0 / Bluetooth Low Energy (BLE) |
Cổng HDMI | 2 cổng Micro HDMI (tốc độ 4Kp60 cùng lúc) | 2 cổng Micro HDMI (tốc độ đến 4Kp60) |
Cổng USB | 2 cổng USB 2.0 & 2 cổng USB 3.0 hỗ trợ tốc độ đến 5Gbps cùng lúc | 2 cổng USB 2.0 & 2 cổng USB 3.0 ports |
Cổng Ethernet | Gigabit Ethernet, hỗ trợ PoE+ (cần có bo PoE+ HAT mới) | Gigabit Ethernet, hỗ trợ PoE+ (cần có bo PoE+ HAT) |
Cổng Camera | 2 cổng thu phát 4 đường MIPI | 1 cổng 2-đường MIPI DSI, 1 cổng 2-đường MIPI CSI |
Cấp nguồn | Cổng USB-C 5V/5A DC power (hỗ trợ Power Delivery) | 5V/3A DC (qua cổng USB-C hay đầu nối GPIO) |
Cổng âm thanh | Không có | Cổng 4 chân cho stereo audio và composite video |
RTC | RTC với đầu nối pin riêng | Không có |
PCIe | Giao tiếp PCIe 2.0 x1 kết nối thiết bị có tốc độ cao | Không có |
Công tắc nguồn | Có | Không có |
Hệ điều hành | RaspberryPi OS, Linux Ubutu | RaspberryPi OS, Linux Ubutu |
Ứng dụng Digital Signage với Pi 5
Kể từ bo mạch Pi 1 đầu tiên, dân yêu thích công nghệ máy tính đã bắt đầu dùng nó để lập trình điều khiển các màn hình LED tí hon, đầu tiên là để chạy chữ hay hiển thị các hình ảnh logo đơn giản, sau đó dần ứng dụng vào các bộ trò chơi cầm tay có màn hình LED/LCD lớn hơn. Khi bo Pi 2 Model B ra đời với cấu hình xử lý tín hiệu video tốt hơn, đã có công ty nghiên cứu phát triển phần mềm dành riêng cho media player dựa trên bo mạch Pi để nhắm đến nhóm khách hàng cần một giải pháp Digital Signage đơn giản và rẻ tiền.
Công ty piSignage (Ấn Độ) là một trong những công ty đầu tiên thương mại hóa phần mềm Digital Signage chỉ dành riêng cho Pi media player từ những năm 2014-2015. Sau đó có nhiều công ty khác nữa tham gia thị trường ngách này như Yodesk, Info-beamer, AI Screen, XOGO, …
Một số nhà phát triển phần mềm Digital Signage lớn và lâu đời hơn cũng dần nhận ra tiềm năng của máy tính Pi nên đã bắt đầu làm các phiên bản phần mềm dành cho Pi media player như optiSigns, Fugo, playSignage, RiseVision, … Phần mềm Digital Signage của VietApps chúng tôi cũng hỗ trợ Pi player với phiên bản beta chưa chính thức.
Hãng Sharp/NEC của Nhật Bản còn đi xa hơn bằng cách phát triển các màn hình LCD chuyên dụng cho Digital Signage có khe cắm mô đun được xây dựng từ Rasperry Pi 4 Module B, có cài sẵn phần mềm media player của mình.
Với các ứng dụng màn hình quảng cáo – thông tin LCD đơn giản, chỉ dùng chữ và hình ảnh, ít dùng video, thời gian làm việc mỗi ngày ngắn (dưới 8h/ngày) thì việc sử dụng bo mạch Pi làm media player là một giải pháp rẻ tiền, việc còn lại là Bạn cần tìm một phần mềm CMS Digital Signage hỗ trợ Pi media player mà thôi. Tuy vậy, việc sử dụng Pi làm thiết bị media player có những nhược điểm sau mà Bạn cần lưu ý:
- Do công suất CPU, mạch đồ họa GPU và bộ nhớ RAM còn hạn chế, nên Pi xử lý tín hiệu video khá yếu, nhất là dùng cho các video HD/2K/4K và các ứng dụng sử dụng nhiều file video hay hoạt hình lớn, hoặc các ứng dụng khác cần xử lý đồ họa tốt như live streaming, tích hợp website, màn hình cảm ứng, …
- Hệ điều hành chính thức của Pi là Raspberry Pi OS (tên cũ là Raspbian) dựa trên Linux OS. Đây là hệ điều hành miễn phí nhưng việc cài đặt và cấu hình tương đối phức tạp hơn so với các hệ điều hành phổ thông như Windows, Android, macOS,… Nếu Bạn không rành về công nghệ lắm thì cần nhờ ai giỏi IT giúp.
- Pi có công suất nguồn nhỏ, do đó tín hiệu video ra khá yếu. Nếu Bạn kết nối với nhiều màn hình LCD/SmartTV có kích thước lớn và hỗ trợ 4K thì có thể ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh.
- Sử dụng cổng micro HDMI, do đó Bạn cần dùng cáp HDMI phù hợp.
- Pi không có ổ đĩa cứng SSD hay HDD mà chỉ khe cắm thẻ nhớ Micro SD, do đó với ứng dụng cần ổ đĩa dụng lượng lớn và tốc độ cao thì sẽ bị hạn chế nhiều.
- Không phù hợp cho các ứng dụng màn hình quảng cáo LCD chạy liên tục cả ngày từ 12h trở lên vì Pi dễ bị quá nóng dẫn đến treo máy.
Với cấu hình máy tính của dòng Pi 5 mới nhất, khả năng xử lý đồ họa video của Pi đã được nâng lên đáng kể nên ứng dụng Pi cho Digital Signage hy vọng sẽ tốt hơn, tuy nhiên do Pi 5 còn quá mới nên chúng ta chưa rõ nó khắc phục được nhược điểm nào ở trên. Theo như một số phản hồi từ những người dùng thử đầu tiên như trang Tom’s Hardware, Pi 5 khi chạy khá là nóng và cần được gắn bộ tản nhiệt làm mát, và nó cũng hỗ trợ video HD khá tốt, nhưng với video 4K thì vẫn bị trễ và giật hình. Hy vọng Pi 5 sẽ có các đợt nâng cấp trong các phiên bản về sau để không phụ lòng dân công nghệ máy tính.
Ở Việt Nam, máy tính Pi được phân phối chính thức bởi Công ty Cytron và Mouser Vietnam. Bạn có thể mua bo Pi về để vọc phá và phát triển các ứng dụng độc đáo của riêng mình. Chúc Bạn thành công!