2 cách chạy quảng cáo trên màn hình xem Live TV

Khi xem các kênh Live TV, thi thoảng hiện ô quảng cáo trong 20 - 30 giây rồi hết, sau vài mươi phút việc này lại lặp lại. Bạn muốn làm như thế trên LCD của mình?

Có rất nhiều cơ sở kinh doanh hay cung cấp dịch vụ trang bị các màn hình TV để chiếu kênh TV (Live TV) cho khách hàng giải trí hay lấy thông tin, ví dụ như:

  • Bạn hay chiếu trực tiếp Giải Ngoại hạng Anh cho khách hàng tại quán bia hay quán cà phê của mình vào mỗi cuối tuần hay vào thời gian có các giải bóng đá quốc tế như Euro, Worldcup, AFC Cup, Seagames, …
  • Hoặc một một khách sạn muốn chiếu các kênh TV về tài chính như Bloomberg, CNBC,… ở màn hình LCD treo ở tiền sảnh hay nhà hàng cho khách hàng là doanh nhân xem.
  • Hay một phòng nha muốn chiếu kênh TV trẻ em như Cartoon Network để chúng bớt la khóc khi đang chữa răng sâu do ăn kẹo quá nhiều 😉
  • Khách đang xếp hàng, chờ đợi tới lượt muốn xem các kênh TV như thời sự, thể thao để giết thời gian ;-( ở bệnh viện, phòng khám, nhà ga, sân bay, bến xe, gara sửa xe, tiệm làm tóc, …
  • Khách đang ở trên xe buýt, xe du lịch đường dài, tàu hỏa, máy bay, metro hay tàu thủy muốn xem các kênh TV để giải trí.

Vào những lúc như giờ nghỉ giải lao của một trận bóng đá hay tại những thời điểm thuận lợi để tiếp thị bán hàng, Bạn sẽ muốn hiển thị các banner tiếp thị hay quảng cáo đến người xem. Đây một nhu cầu rất thực tế mà nhiều cơ sở kinh doanh – dịch vụ mong muốn được đáp ứng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn Bạn 2 cách để hiện thực hóa các nhu cầu này trong tình hình ở Việt Nam.

Cách 1: Sử dụng thiết bị Video capture

Thiết bị Video Capture (hay Video Streaming), còn gọi là thiết bị ghi hình – thiết bị streaming, là những thiết bị dùng để chuyển đổi tín hiệu video tương tự (analog video) như tín hiệu từ máy quay phim, đầu thu sóng truyền hình (TV Tuner), đầu phát DVD, … thành tín hiệu video số (được gọi là digital video hay video stream) để lưu lại thành file hay chuyển cho thiết bị xử lý video khác để mã hóa, định dạng, lưu trữ, phát trực tiếp trên internet (streaming), …

Ở ứng dụng của chúng ta, thiết bị ghi hình dùng cho việc chuyển đổi tín hiệu video để đưa vào phần mềm quản lý nội dung Digital Signage xử lý tiếp. Với cách này, Bạn cần một hệ thống gồm những thiết bị chính như sau:

a. Danh sách thiết bị cần có:
  • Một TV hay mòn hình LCD có kích thước Bạn mong muốn, thường là 55″ trở lên để có thể ngồi xem từ xa dễ dàng.
  • Nếu bạn sử dụng Android/Google Smart TV, Bạn không cần đầu tư thêm Digital Signage media player. Nếu Bạn dùng TV thông thường hay màn hình LCD (LCD Display) Bạn cần mua thêm một Android media player.
  • Một máy tính chạy Windows 10 hay 11, cấu hình trung bình (CPU i5, 16GB RAM, 128 GB SSD). Bạn có thể chọn các máy tính PC mini có kích thước nhỏ gọn để dễ dàng lắp đặt về sau. Lý do chọn mini PC là vì máy tính thường lắp rất gần với TV, mà TV lại gắn trên tường nên Bạn cần phải giấu kín máy tính PC để đạt yêu cầu thẩm mỹ.
  • Thiết bị ghi hình có cổng HDMI (tên tiếng Anh là Video Capture, HDMI Capture Card, Video Recorder, Live Streamer hay Live Streaming Card), loại có tính năng ghi video và streaming qua máy tính Windows (PC recording and streaming). Có hai loại card ghi hình phổ biến: Loại thiết bị gắn ngoài độc lập và loại dạng card gắn vào khe cắm của máy tính Windows. Ở Việt Nam phổ biến có thiết bị của các hãng AVerMedia, Elgato, ASUS,… Lưu ý là card này không phải là card đồ họa (Graphic/Gaming Card) dùng trong thiết kế đồ họa hay chơi game. Hiện tại Việt Nam chưa có kênh truyền hình 4K, do đó Bạn chọn thiết bị hỗ trợ hình ảnh HD (1080p) là được rồi.
  • Đầu thu truyền hình cáp hay vệ tinh (TV Set Top Box), hay đầu thu TV qua internet (TV Box, Smart TV Box, …) của nhà cung cấp dịch vụ truyền hình. Ví dụ nếu Bạn muốn xem Giải Ngoại hạng Anh (Premier League), Bạn có thể dùng TV Box của Truyền hình K+, hay của các dịch vụ FPT Play, Viettel TV và VNPT MyTV có kèm theo gói K+ Sport. Các TV Box này có cổng HDMI để xuất tín hiệu video vào cổng HDMI của Smart TV.
  • Các phụ kiện khác như giá treo màn hình TV, cáp nguồn, cáp HDMI, cáp mạng, WiFi, …

Ở đây chúng tôi không đề cập đến các thiết bị khác cần phải có, bao gồm laptop hay máy tính PC để vào tài khoản quản lý của phần mềm Digital Signage hay để thiết kế đồ họa (hình ảnh hay video) dùng cho banner quảng cáo, thiết bị router WiFi của nhà mạng viễn thông cung cấp kết nối Internet, …

Video Capture của Hãng AVerMedia có thể dùng để xem kênh TV
Một số thiết bị HD 1080p Video Capture trên cửa hàng của hãng AVerMedia

Bạn lưu ý là trên thị trường có loại USB Video Capture nhỏ gọn như một thẻ USB, ví dụ thiết bị AVerMedia BU113 Live Streamer CAP 4K, Elgato Cam Link 4K, … Tuy nhiên Bạn nên dùng thiết bị từ các hãng có uy tín, đừng ham loại rẻ giá hai ba trăm ngàn đồng vì thiết bị này này gắn vào và được cấp nguồn qua cổng USB của máy tính, nếu cấu hình yếu hay sử dụng linh kiện không tốt thì khi làm việc liên tục sẽ rất nóng, chạy không ổn định và không bền bằng các thiết bị loại tốt khác.

b.Lựa chọn phần mềm Digital Signage phù hợp

Khi đã có đủ phần cứng thì việc tiếp theo là chọn mua phần mềm! Bạn cần biết là không phải phần mềm quản lý màn hình LCD nào (hay còn gọi là phần mềm Digital Signage, phần mềm quản lý nội dung Content Management Software – CMS, từ đây về sau gọi là phần mềm CMS) cũng hỗ trợ tính năng chiếu kênh truyền hình (còn gọi là Live TV). Phần mềm CMS hỗ trợ tính năng Live TV thường là các phần mềm mạnh mẽ khá cao cấp và khá đắt tiền ;-(.

Để chiếu Live TV với quảng cáo, Bạn có hai cách thiết kế giao diện màn hình TV như sau dùng công cụ thiết kế giao diện của phần mềm CMS:

  • Cách 1: Phân các vùng nội dung khác nhau, một vùng lớn nhất chiếu Live TV, 1-2 vùng khác nhỏ hơn chiếu nội dung quảng cáo hay thông tin. Các vùng này không chồng lấn lên nhau. Cách này dễ nhất và được nhiều phần mềm CMS hỗ trợ. Giao diện màn hình TV theo cách 1 này được minh họa như bên dưới:
Các cách phân vùng Live TV và Ads không chồng lấn lên nhau
  • Cách 2: Một vùng chính toàn màn hình chiếu kênh truyền hình, và một vùng thường nhỏ hơn hiển thị nội dung quảng cáo chồng lên Live TV. Cách này cho phép xem TV toàn màn hình nên được ưa thích hơn. Xem hình minh họa bên dưới:
Hiển thị nội dung tiếp thị hay quảng cáo trên nền kênh truyền hình TV cùng lúc
Hiển thị nội dung tiếp thị hay quảng cáo trên nền kênh truyền hình TV cùng lúc

Chỉ có một số phần mềm CMS có hỗ trợ Live TV và cách phân vùng chồng lên nhau này. Bạn cần chú ý hỏi nhà cung cấp các tính năng này trước khi đặt mua phần mềm.

Các ứng dụng xem TV cài trên Smart TV của các nhà đài tại Việt Nam
Các ứng dụng xem TV cài trên Smart TV của các nhà đài tại Việt Nam

Có thể Bạn sẽ có thắc mắc: Đa số Smart TV chạy Android TV hay Google TV đều cài đặt được các ứng dụng (app) của phần mềm Digital Signage, mà các Smart TV này lại cũng cài được các ứng dụng xem TV của các nhà đài lớn như K+, FPT Play, Viettel 360TV, VNPT MyTV, VTVcab, … Vậy tôi có thể vừa chiếu kênh TV dùng các ứng dụng xem TV này, vừa chiếu quảng cáo bằng ứng dụng Digital Signage được không? Xin thưa là Bạn chỉ có thể chiếu mỗi lần một thứ thôi, không có thể chiếu hai nội dung này cùng lúc được ;-(. Nó giống như Bạn chỉ có thể xem TV, hoặc mở xem YouTube, Netflix,… lần lượt, không thể vừa xem YouTube vừa xem TV, …

c. Đấu nối thiết bị với nhau:

Sơ đồ đấu nối các thiết bị như hình bên dưới:

Sơ đồ đấu nối hệ thống dùng thiết bị video capture loại gắn ngoài
Sơ đồ đấu nối hệ thống dùng thiết bị video capture loại gắn ngoài

Thú thiệt nhìn sơ đồ trên chúng tôi cũng thấy khá là … rắc rối ;-). Không biết Bạn thấy sao? Từ đây về sau, chúng tôi sử dụng dịch vụ truyền hình K+ để minh họa cho việc đấu nối của nhóm thiết bị truyền hình. Để dùng dịch vụ truyền hình K+, Bạn có hai lựa chọn:

i. Dùng đầu thu vệ tinh + chảo anten:

Đây là cách thức thu tín hiệu TV đời đầu của Truyền hình K+: Tín hiệu TV được nhà đài K+ phát từ vệ tinh xuống. Chảo anten sẽ thu tín hiệu truyền hình vệ tinh chuyển đến đầu thu vệ tinh K+ (còn gọi là Set Top Box – STB) qua cáp đồng trục (còn gọi là cáp RF). Đầu thu STB sẽ giải mã và xử lý tín hiệu video/audio và chuyển đến TV để trình chiếu qua cáp HDMI, nhưng ở ứng dụng của chúng ta, là chuyển đến thiết bị ghi hình bằng một sợi cáp HDMI. Xem đấu nối cụ thể ở sơ đồ trên, góc dưới bên trái.

ii. Dùng TV Box với đường truyền internet:

Vài năm trở lại đây dịch vụ internet cáp quang đến tận nhà đã phổ biến, cung cấp cho khách hàng dịch vụ internet tốc độ cao và ổn định đáp ứng được các công nghệ truyền dẫn TV vốn có yêu cầu cao về băng thông internet.

Tín hiệu TV được nhà mạng viễn thông truyền dẫn qua cáp quang đến bộ router quang (thường có thêm tính năng phát WiFi). Khi đăng ký dịch vụ TV, bạn sẽ được đài K+ hay các đài TV đối tác của K+ như VTVcab, FPT Play, VNPT MyTV, Viettel TV360, SCTV, HTVC, … cung cấp một bộ TV Box. TV Box có nhiệm vụ lấy tín hiệu TV từ bộ router để giải mã, xử lý tín hiệu video/audio để cung cấp cho TV. Trong trường hợp của chúng ta, TV Box chuyển tín hiệu video đến thiết bị ghi hình thông qua cáp HDMI. Xem sơ đồ trên, góc dưới bên phải.

Trong cả hai cách lấy tín hiệu TV i) và ii) ở trên, thiết bị ghi hình đến lượt mình sẽ chuyển đổi tín hiệu video thành luồng video stream đưa vào laptop hay máy tính thông qua cáp USB tốc độ cao (thường là chuẩn USB-C). Máy tính này có cài đặt phần mềm CMS hay dùng trình duyệt web truy cập vào tài khoản CMS trên cloud (nếu là phần mềm dạng SaaS). Trong sơ đồ trên, nếu bộ ghi hình là thiết bị dạng card cắm vào máy tính thì các cáp HDMI từ thiết bị STB hay TV Box sẽ được cắm vào máy tính PC, không cần cáp USB nữa. Xem sơ đồ bên dưới:

Sơ đồ đấu nối hệ thống dùng thiết bị video capture loại card gắn trong máy tính
Sơ đồ đấu nối hệ thống dùng thiết bị video capture loại card gắn trong máy tính

Bạn sử dụng một laptop hay PC, hoặc dùng chính PC có cài phần mềm CMS, để thiết kế cbanner quảng cáo dùng phần mềm thiết kế đồ họa như Photoshop, Canva, … Sau đó Bạn đưa banner này cho công cụ thiết kế của phần mềm CMS để đưa vào vùng chạy quảng cáo. Tiếp theo Bạn sử dụng công cụ lập lịch phát (lịch phát tiếng Anh gọi là playlist hoặc schedule) để xác định thời lượng hiển thị của mỗi nội dung ở mỗi vùng.

Thời lượng ở đây xin được hiểu là thời gian hiển thị (chiếu trong bao lâu) và tần suất hiển thị (bao nhiêu lâu thì lặp lại). Bạn có thể quy định nội dung nào chiếu vào giờ nào trong ngày, ngày nào tuần, tuần nào trong tháng,… và được chiếu ở vùng nào trên màn hình TV nào,… nhờ công cụ lập lịch rất mạnh mẽ này.

Khi xong phần thiết kế giao diện màn hình TV, phần mềm CMS sẽ cho phép Bạn tryền tải thiết kế giao diện, lịch phát và các file nội dung như video, hình ảnh, văn bản, … cần dùng cho giao diện này đến thiết bị Digital Signage media player thông qua đường truyền WiFi hay cáp mạng LAN. Thiết bị media player này sẽ kết nối với màn hình TV qua cổng HDMI.

Media player có cài phần mềm Digital Signage client, phần mềm này sẽ nhận video stream tổng hợp từ phần mềm CMS, lịch phát và các file multimedia rồi trình chiếu video này trên màn hình TV. Trong trường hợp Bạn sử dụng Android Smart TV hay các màn hình Digital Signage chuyên dụng của Samsung, LG, Sharp/NEC, Philips, Sony, … thiết bị media này đã nhúng bên trong bo mạch của TV/màn hình rồi nên Bạn không cần bộ media player như ở các sơ đồ trên nữa. Khi đó chỉ cần đấu nối TV/màn hình vào mạng WiFi hay mạng LAN thì Bạn có thể truyền video từ máy tính chạy phần mềm CMS đến ứng dụng Digital Signage cài bên trong màn hình để trình chiếu video.

Như vậy Bạn đã có một hệ thống để chiếu Live TV có kèm quảng cáo dùng thiết bị ghi hình (video capture) hoàn chỉnh.

Cách 2: Sử dụng thiết bị media player có cổng đưa tín hiệu Live TV vào

Một số hãng chuyên cung cấp các thành phần của giải pháp Digital Signage chuyên dụng như hãng sản xuất màn hình TV/LCD, hãng sản xuất media player và hãng phát triển phần mềm CMS phối hợp với nhau để cung cấp giải pháp kết hợp Live TV với ứng dụng Digital Signage để chèn quảng cáo. Sau đây là một vài giải pháp để Bạn tham khảo:

TV chuyên dụng của LG có hỗ trợ Live TV kết hợp với quảng cáo

Hãng LG có các màn hình TV chuyên dụng là dòng 640S và UR340C. Các TV này có cổng đưa tín hiệu TV vào (cổng RF In), nó cũng cài đặt sẳn ứng dụng media player của LG. Sử dụng phần mềm CMS có tên SuperSign CMS Premium của LG (được mua riêng), Bạn có thể thiết lập các vùng chiếu Live TV và vùng chạy quảng cáo như ở Cách 1. Sử dụng giải pháp này của LG thì hệ thống rất đơn giản, chỉ gồm LG TV đấu bằng cáp đồng trục với bộ STB của nhà đài để cung cấp tín hiệu TV. Nếu Bạn có kinh phí dồi dào, đây là lựa chọn tối ưu nhất vì hệ thống đơn giản dễ đấu nối.

Hãng BrightSign có các media player như XT1145, XT2145, XT1144, và XT244 có cổng vào HDMI để nhận tín hiệu video từ STB hay TV Box của nhà đài TV. Hệ thống sẽ gồm STB hay TV Box đấu với BrightSign media player qua cổng HDMI, media player đấu nối với TV hay màn hình LCD để hiển thị nội dung. Có rất nhiều hãng phát trêinr phần mềm CMS hỗ trợ BrightSign media player như Signagelive, MDIX, Enplug, onsigntv,…. Do đó Bạn có thể sử dụng phần mềm CMS của chính BrightSign hay các hãng này để thiết lập giao diện màn hình TV như ở Cách 1.

Vậy là chúng ta đã điểm qua 2 cách thức xây dựng một hệ thống kết hợp Live TV với nội dung quảng cáo để đáp ứng cả hai mục tiêu: Vừa cung cấp các kênh TV giúp khách hàng giải trí, vừa quảng cáo sản phẩm và dịch vụ của Bạn đến họ. Chúc bạn thành công.

Scroll to Top